Các bệnh phổ biến trên tôm thường do vi khuẩn gây ra, đặc biệt là nhóm Vibrio. Việc sử dụng hóa chất để kiểm soát lượng vi khuẩn trong ao nuôi là một phương pháp hữu hiệu để kiểm soát bệnh do vi khuẩn. Các hóa chất diệt khuẩn có rất nhiều loại khác nhau với đặc tính và cách sử dụng cũng khác nhau. Sau đây là các hóa chất diệt khuẩn phổ biến được sử dụng trong nuôi tôm:
- Các hợp chất có chứa Clo
– Chlorine (tên gọi chung của calci hypochloride, natri hypochloride,…): Đây là hóa chất được sử dụng rộng rãi vì hoạt tính cao. Chlorine diệt được hầu hết các mầm bệnh từ vi khuẩn, virus, nấm, động vật nguyên sinh, ký sinh trùng,…
Liều lượng chlorine khuyến cáo thường khoảng 20 – 35ppm tùy nguồn nước. Chlorine được sử dụng để xử lý nước trước khi thả tôm, vì nó có thể gây ngộ độc cho tôm nếu sử dụng trực tiếp trong ao nuôi.
Chlorine bị giảm hoạt tính trong môi trường pH cao. Nếu khi cải tạo ao có rải nhiều vôi thì cần phơi 2 -3 ngày để pH về lại dưới 8 rồi mới tiến hành cấp nước xử lý Chlorine. Chlorine cũng bị giảm hoạt tính khi môi trường nước giàu chất hữu cơ. Do đó, việc lắng lọc nước trước khi xử lý chlorine là điều cần thiết. Ngoài ra, chlorine còn dễ bị phân hủy dưới ánh sáng mặt trời.
Sau khi sử dụng Chlorine, cần chạy quạt liên tục 3 – 5 ngày để bay hơi hết lượng tồn dư. Trong trường hợp cần nước gấp, có thể sử dụng Natri thiosulfate để trung hòa lượng clo còn dư theo tỉ lệ 1:1 dựa theo nồng độ clo đo được trong ao.
Ca(ClO)2 + Na2S2O3 → CaCl2 + Na2SO4 + 2NaCl + SO2
– TCCA (Trichloroisocyanuric Acid): Đây cũng là một hợp chất vô cơ của Clo, nhưng nồng độ Clo khả dụng cao hơn so với Chlorine (TCCA 90% – Chlorine 65~ 70%).
TCCA khi sử dụng vào trong nước thì giải phóng từ từ nên ít gây độc hơn Chlorine. Liều lượng sử dụng TCCA khoảng 15 – 20ppm. TCCA cũng được sử dụng để xử lý nước đầu vào, đôi khi được sử dụng trong ao nuôi với liều lượng thấp (2 – 3 ppm) để diệt khuẩn và kiểm soát tảo.
Ngoài những khác biệt về liều lượng và hoạt tính, TCCA cũng có những tính chất tương tự như Chlorine.
– Chloramine (thông dụng gồm Chloramine B và Chloramine T): cũng là một dạng clo vô cơ, tuy nhiên clo hoạt tính chỉ chiếm khoảng 25%.
Chloramine B và T cũng ít ảnh hưởng đến vật nuôi hơn Chlorine. Các đặc tính của chúng cũng tương tự như TCCA.
- Thuốc tím
Thuốc tím (KMnO4) là một hóa chất diệt khuẩn khá mạnh, dạng tinh thể màu tím. Thuốc tím có thể diệt vi khuẩn, nấm và một phần nguyên sinh động vật. Ngoài ra, thuốc tím còn là một chất trợ lắng tốt nên được sử dụng trước khi xử lý Chlorine để tăng hoạt tính mà giảm lượng Chlorine cần dùng.
Liều dùng của thuốc tím là 2 – 5 ppm tùy nguồn nước. Thuốc tím dễ phân hủy khi gặp ánh sáng mặt trời, nên cần xử lý thuốc tím lúc trời mát mẻ, không có nắng.
- Iodine và Iodophors
Trong thủy sản thường dùng loại Iodine hữu cơ (Povidone Iodine, lượng Iod hoạt chất từ 9 – 12%). Iodine cũng là một chất diệt khuẩn phổ rộng, diệt được nhiều mầm bệnh khác nhau. Nó cũng có ảnh hưởng đến tảo nhưng rất ít.
Iodine thân thiện với vật nuôi, nên có thể sử dụng được trong giai đoạn tôm giống và tôm nhỏ. Do tính chất dễ phân hủy khi gặp nhiệt độ cao và ánh sáng mặt trời nên thời điểm tốt nhất để sử dụng Iodine là 7 – 8 giờ tối. Liều dùng diệt khuẩn trong ao nuôi là 1 – 1.5 lít/ 1000 m3.
- Kali permonosulfate
Đây là chất oxy hóa rất mạnh, có công thức hóa học là KHSO5. Nó là chất diệt khuẩn an toàn, ít gây độc với tôm nên thường được sử dụng trong giai đoạn tôm còn nhỏ. Phổ diệt khuẩn của Kali permonosulfate khá hẹp, nên thường được xử lý các mầm bệnh vi khuẩn là chính. Hoạt tính của nó ít bị ảnh hưởng bởi môi trường, nhưng cũng dễ bị nhiệt độ cao ảnh hưởng nên thường được sử dụng lúc 9 – 10 giờ sáng. Liều dùng thông thường: 1.5 – 2 kg/1000m3.
- BKC
BKC (Benzalkonium Chloride) là chất diệt khuẩn tương đối mạnh, phổ diệt khuẩn rộng. BKC còn có tác động lên tảo nên cần cân nhắc khi sử dụng trong các ao có hệ tảo kém phát triển. Là một chất oxy hóa nên dĩ nhiên hoạt lực của BKC sẽ bị giảm nếu môi trường có nhiều chất hữu cơ. Liều dùng BKC 80% là 1 – 1.5 lít/1000 m3 trong ao nuôi có tôm. BKC có thể gây shock cho tôm nên chỉ được sử dụng trong các ao 1 tháng tuổi trở lên. Thời điểm sử dụng tốt nhất là 10 – 12 giờ sáng.
- Glutaraldehyde
Một hóa chất thuộc nhóm aldehyde, có phổ diệt khuẩn rộng. Glutaldehyde có tính khử, nên hoạt tính của nó không bị ảnh hưởng bởi hàm lượng chất hữu cơ trong nước. Nhưng nó dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao nên sử dụng tốt nhất lúc trời mát mẻ. Liều dùng là 1 – 1.5 lít/1000m3 trong các ao nuôi tôm trên 40 ngày tuổi.
Có thể sử dụng kết hợp BKC và Glutaraldehyde theo tỷ lệ 1:1 để tăng phổ diệt khuẩn, ngăn khả năng kháng thuốc và khắc phục nhược điểm của từng loại hóa chất.
- Oxy già
Oxy già (H2O2) là chất diệt khuẩn tương đối yếu. Oxy già phản ứng nhanh khi tiếp xúc với nước nên không để lại tồn dư trong ao như các chất khác. Do hoạt tính khá yếu nên oxy già thường được sử dụng kết hợp với các chất khác chứ không được sử dụng riêng lẻ. Tuy nhiên, nó mang lại hiệu quả khá tốt khi xử lý tảo lam. Liều dùng khoảng 2 – 3 lít/ 1000 m3.
- Các nano kim loại
Gồm Nano bạc, nano đồng, nano titan, nano kẽm,…là những hạt kim loại có kích thước tính bằng đơn vị nanomet. Trong số đó, nano bạc được cho là có khả năng kháng khuẩn tốt nhất. Các nano kim loại có khả năng diệt khuẩn rất tốt nhưng lại có chi phí khá cao.