Những tình huống xảy ra khi nắng nóng kéo dài
– Nhiệt độ tăng cao: nhắc đến nắng nóng thì điều đầu tiên phải nghĩ đến là vấn đề về nhiệt độ, đặc biệt là nước ở tầng mặt rất nóng. Sự phân tầng nhiệt độ được hạn chế nhờ hệ thống quạt nước. Tuy nhiên, khi tôm lên gần tầng mặt, dễ bị sốc nhiệt, dẫn đến bị co thân chết đột ngột. Hiện tượng này cũng thường gặp khi đi thăm nhá. Ngoài ra, nhiệt độ tăng cao cũng làm các quá trình sinh hóa trong ao diễn ra nhanh hơn, kéo theo hàng loạt thay đổi về môi trường.
– Tảo: nắng nóng khiến tảo phát triển quá mức nhờ quá trình phân giải chất hữu cơ diễn ra nhanh hơn bình thường. Tảo dễ phát triển quá mức nếu không kiểm soát tốt lượng thức ăn, với tốc độ diễn ra nhanh hơn nhiều lần so với mùa lạnh.
– Vi khuẩn: nhiệt độ tăng cũng làm cho vi khuẩn hoạt động mạnh hơn, kéo theo các mối nguy về mầm bệnh do vi khuẩn cũng tăng theo. Đặc biệt, bệnh phân trắng là một mối nguy phổ biến trong thời điểm nắng nóng.
– Tôm: do nhiệt độ cơ thể tôm chịu ảnh hưởng bởi môi trường nước nên khi trời nắng nóng tôm cũng trao đổi chất nhanh hơn, tuy nhiên sức tải của các cơ quan trong cơ thể tôm là có giới hạn. Do đó sẽ có hiện tượng tôm ăn được nhiều nhưng không hấp thu được thức ăn và dinh dưỡng, ngược lại còn làm ảnh hưởng, suy giảm chức năng gan tụy và đường ruột. Hoặc với những bầy tôm có sức chống chịu kém, khi nắng nóng stress làm tôm chán ăn, bỏ ăn, cuối cùng vẫn là nguy cơ để tôm nhiễm các mầm bệnh có sẵn trong môi trường.
– Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố trong ao thay đổi khi thời tiết nắng nóng kéo dài. pH, độ kiềm, NH3, NO2,…cũng là hệ quả khi các quá trình sinh hóa trong ao được đẩy nhanh.
Một điều đáng lo ngại nữa khi nắng nóng kéo dài là những cơn mưa to bất chợt. Chúng làm thay đổi môi trường đột ngột, mang nhiều mầm bệnh vào ao nuôi, làm sốc tôm và khiến tôm chết hàng loạt.
Những giải pháp khắc phục
– Kiểm soát tốt thức ăn: mọi thay đổi trong ao đều đến từ sự gia tăng nhiệt độ và đẩy nhanh quá trình chuyển hóa vật chất trong ao, mà nguồn nguyên liệu chính của quá trình đó là thức ăn dư thừa hoặc phân tôm. Do đó, kiểm soát được lượng thức ăn là điểm mấu chốt để quản lý chất lượng nước ao trong thời điểm này. Việc ước lượng thức ăn được thực hiện dựa trên điều kiện sức khỏe tôm, khả năng chịu đựng của môi trường và điều kiện thời tiết. Điều này phụ thuộc rất lớn vào kinh nghiệm của người nuôi tôm.
– Hạn chế ánh nắng chiếu xuống ao: có thể sử dụng mái che hoặc lưới lan che một phần sáng để dễ kiểm soát nhiệt lượng và tảo. Một giải pháp khác là nuôi ở mực nước cao để làm hạ được nhiệt độ chung cho cả ao nuôi.
– Tăng cường khả năng chống chịu của tôm: bổ sung các chất kháng stress, chống sốc cho tôm như như vitamin hỗn hợp, khoáng chất, điện giải,…Tôm khỏe mạnh để chống chịu với thời tiết bất lợi và các mầm bệnh khác.
– Chủ động xử lý trong trường hợp mưa lớn đột ngột: cần chuẩn bị sẵn các vật dụng cần thiết như vôi nóng, vôi canxi, oxy viên,…để chủ động xử lý khi trời mưa đột ngột giữa mùa nắng nóng, tránh gây sốc môi trường cho tôm nhất có thể.