Chú trọng công nghệ cao
Từ năm 2020, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án, ngành tôm của tỉnh Bạc Liêu tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực. Bạc Liêu là một trong 6 tỉnh trọng điểm tôm của cả nước có vai trò quan trọng trong nhiều khâu của “chuỗi cung ứng tôm” ĐBSCL cũng như của cả nước. Là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về diện tích và sản lượng, với nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu quốc gia.
Năm 2022, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản của tỉnh Bạc Liêu đạt 460.900 tấn, trong đó tôm đạt gần 235.000 tấn và thủy sản khác là hơn 226.000 tấn. Hiện, diện tích NTTS đạt hơn 145.000 ha, trong đó nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh là hơn 27.000 ha.
Hiện, Bạc Liêu có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được phát triển, toàn tỉnh có 25 công ty, đơn vị và 818 hộ dân đang đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao, với diện tích hơn 4.600 ha. Ngoài ra, có 7 hợp tác xã sản xuất theo hướng công nghệ cao, đặc biệt, có 5 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bạc Liêu cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 18 đơn vị được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế như: BAP, GlobalGAP, ASC…
Tiếp tục phát huy thế mạnh
Năm 2023, Bạc Liêu phấn đấu tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 507.000 tấn, tăng thêm khoảng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng tôm đạt 257.000 tấn. Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu cũng đề ra chỉ tiêu xuất khẩu tôm đạt 1 tỷ USD.
Bạc Liêu được xem là thủ phủ tôm của cả nước. Dù vậy, trên thực tế vẫn phải nhìn nhận rằng, kim ngạch xuất khẩu tôm của Bạc Liêu năm 2022 chỉ đạt 853 triệu USD, bằng 92,74% so với kế hoạch, vẫn còn kém xa Cà Mau và Sóc Trăng. Đáng quan tâm hơn, trong danh sách 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu năm 2022 không có các doanh nghiệp của tỉnh Bạc Liêu mà chủ yếu là doanh nghiệp của tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau.
Có thể thấy, ngành tôm Bạc Liêu những năm qua tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng nhìn chung vẫn còn đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức cần được hóa giải.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Bạc Liêu cần phải có ngay các giải pháp, chính sách, cơ chế để tạo sự lan tỏa và mở rộng diện tích nuôi tôm ứng dụng cao. Đây thật sự là vấn đề cấp bách và có tính chiến lược để tạo ra những khởi sắc và đột phá, nhằm làm thay đổi căn bản chiến lược tăng trưởng trong giai đoạn đầu để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.
Giải pháp để tăng tốc
Dây chuyền chế biến tôm đông lạnh (ảnh: TCTS) |
Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” đặt mục tiêu đến năm 2025, Bạc Liêu sẽ sản xuất được 40 – 45 tỷ con giống, đáp ứng nhu cầu giống tôm nuôi của tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh lân cận. Diện tích nuôi tôm đạt 147.900 ha, trong đó nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, thâm canh, bán thâm canh 35.900 ha. Mô hình tôm – lúa 42.000 ha, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp 70.000 ha. Phát triển năng lực chế biến tôm, đưa tổng công suất thiết kế đạt 160.000 tấn/năm.
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong năm 2023 và xa hơn theo Đề án, tỉnh Bạc Liêu đã và đang triển khai nhiều giải pháp từ nuôi đến chế biến và tiêu thụ.
Đối với NTTS, tỉnh tiếp tục tổ chức lại sản xuất ở các vùng NTTS theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị phát triển bền vững, gắn với xây dựng cánh đồng lớn. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất theo hướng trang trại, phát triển bền vững. Tỉnh cũng khuyến khích, nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa các doanh nghiệp và nông dân theo hình thức hợp tác sản xuất quy mô lớn.
Cùng với việc phát triển con tôm công nghiệp cũng cần chú trọng phát triển ổn định, bền vững mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm sạch (tôm – lúa, tôm – rừng, rừng – tôm) và ứng dụng rộng rãi NTTS có chứng nhận như: VietGAP, GlobalGAP, ASC…
Đối với lĩnh vực chế biến, tỉnh Bạc Liêu đang ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến sản phẩm ăn liền để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, nhất là đối với sản phẩm từ tôm.
Nhìn nhận về cơ hội xuất khẩu thủy sản năm 2023, ông Phan Văn Sáu, Giám đốc Sở Công Thương Bạc Liêu cho biết, so với các năm 2021 – 2022, xuất khẩu thủy sản năm 2023 của Bạc Liêu có nhiều thuận lợi hơn. Đó là nguồn nguyên liệu dồi dào do thời tiết thuận lợi, cùng với đó là diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, cho sản lượng lớn tiếp tục được mở rộng. Mặc khác, cùng với việc nhiều nhà máy chế biến thủy sản được đầu tư nâng cao công suất thì một số nhà máy được xây dựng mới với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại.
“Để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm phát triển ngành tôm của cả nước, địa phương đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ đa dạng hóa sản phẩm chế biến, nhất là ở phân khúc chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao; cung cấp kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường tiêu thụ cũng như các rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp biết mà chủ động trong sản xuất. Tỉnh cũng tăng cường xúc tiến thương mại; tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là hiệp định thương mại tự do để tận dụng các cơ hội tăng cường xuất khẩu vào thị trường mới…”, ông Sáu chia sẻ thêm.
Bạc Liêu hiện có gần 50 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu. Nếu như những năm trước, phần lớn các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu chỉ tập trung xuất khẩu tôm đông lạnh và chủ yếu là xuất thô mang lại giá trị không cao, thì năm 2023 này nhiều doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến việc chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng cao. Đây cũng được coi là một trong những giải pháp làm tăng khả năng cạnh tranh về xuất khẩu thủy sản với các nước có nền công nghiệp nuôi tôm lớn. Đồng thời, hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí nguồn nguyên liệu và hướng đến thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, thực hiện thắng lợi mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD của tỉnh Bạc Liêu trong năm 2023.
Theo Tổng cục Thủy sản