Dư địa lớn, tiềm năng cao
Israel là một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực. Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á và được đánh giá là một trong những đối tác hợp tác đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Có thể thấy, nếu như năm 2018, trao đổi thương mại hai nước mới đạt 1,2 tỷ USD thì đến năm 2020 đã đạt xấp xỉ 1,6 tỷ USD và đến năm 2021 tiếp tục tăng và đạt khoảng 1,9 tỷ USD bất chấp dịch bệnh COVID-19 diễn ra căng thẳng và nhiều biến động. Đến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Israel đạt 785,7 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 1,4 tỷ USD.
Mỗi năm có khoảng trên dưới 70 diện mặt hàng các loại của Việt Nam được xuất khẩu sang Israel. Năm 2022, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm có điện thoại di động và linh kiện đạt 293,2 triệu USD, chiếm tỷ trọng 37,3% và là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất. Các mặt hàng thuộc nhóm hàng lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, quần áo, giày dép, hàng điện tử… chiếm tỷ lệ 62,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Israel. Ngoài ra, còn có các mặt hàng xuất khẩu khác như: Hàng điện tử, máy móc thiết bị điện, hàng gia dụng, đồ nhà bếp, nước giải khát, lương thực thực phẩm chế biến sẵn thuộc nhóm hàng khô, bánh kẹo, trái cây chế biến sấy khô và đóng hộp…
Riêng đối với nhóm hàng thủy hải sản, hàng năm, Israel thuộc trong top 22 thị trường hàng đầu trong số trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Đáng chú ý, trong năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Israel đạt 80,4 triệu USD; trong đó xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD và Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam (sau Mỹ, Canada và Nhật Bản). Xuất khẩu mực đông lạnh sang thị trường này đạt 23,22 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,7% xuất khẩu mặt hàng này của cả nước và Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam; xuất khẩu tôm đông lạnh sang Israel đạt khoảng 21 triệu USD và Israel đứng thứ 20.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản Việt Nam tháng 3/2023 đạt 766,4 triệu USD, giảm 24,4% so với tháng 3/2022. Tính chung quý I/2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 1,83 tỷ USD, giảm 27,3% so với quý I/2022.
Quý I/2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam giảm mạnh ở hầu hết các thị trường, tuy nhiên xuất khẩu sang Hồng Kông, Philippines, Israel tăng. Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản của nước ta sang thị trường Israel tháng 3/2023 tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 6,5 triệu USD. Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Israel đạt 19,49 triệu USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2022, là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất.
“Điểm sáng” trước khó khăn
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp thủy sản nước ta ở thời điểm này đều đang rất khó khăn, đơn hàng sụt giảm do sức cầu từ các thị trường lớn, truyền thống đều đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Dự báo thủy sản xuất khẩu sẽ còn tiếp tục khó khăn và các doanh nghiệp đang phải giảm giờ làm để duy trì hoạt động.
Do đó, việc Bộ Công thương hoàn tất Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Israel vào ngày 2/4/2023 rất có ý nghĩa với doanh nghiệp thủy sản.
Phân tích cụ thể, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, hiện nay trong cơ cấu xuất khẩu thị trường Isarel mặc dù chiếm tỷ trọng chưa nhiều nhưng đây là một thị trường rất tiềm năng, bởi Israel là thị trường có sức mua, khả năng thanh toán cao. Bên cạnh đó, Israel là nước không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực lao động trong nước hạn chế, dù là nước nhỏ nhưng nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Bởi vậy, thị trường này còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể khai thác hiệu quả.
Các mặt hàng thủy sản Việt Nam tại Israel hiện đã có chỗ đứng ổn định và được người tiêu dùng quốc gia này ưa chuộng, đánh giá cao. Chính vì thế, dù FTA Việt Nam – Isarel chỉ mới ký kết nhưng theo lộ trình như các FTA khác thì thuế quan sẽ dần giảm về 0%. Việc này sẽ tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, giúp họ có thời gian chuẩn bị và có ưu thế hơn so với các đối thủ do họ chưa có FTA với quốc gia này”, ông Hòe đánh giá.
Cũng theo ông Hòe, không chỉ tại thị trường Israel, dự kiến FTA Việt Nam – Israel được ký kết còn mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng thông qua cửa ngõ các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
“Theo chúng tôi được biết, quy mô dân số của Israel chỉ khoảng 9,3 triệu người nhưng đây lại là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông (sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ). Chính vì vậy, Israel có vị thế là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam ở khu vực Trung Đông”, ông Hòe nói thêm.
Liên quan đến những “hành trang” cần chuẩn bị cho doanh nghiệp thủy sản để thâm nhập thị trường Isarel, ông Hòe cho biết, do Hiệp định chỉ mới vừa ký kết nên VASEP sẽ cần thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu kỹ để phổ biến tới các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm đã tận dụng được từ các FTA khác như EVFTA, CPTPP…, VASEP tin tưởng các doanh nghiệp thủy sản sẽ tận dụng được lợi thế từ FTA với Isarel.
Còn theo một số chuyên gia, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa nói chung và thủy sản nói riêng vào Israel cần chú ý 2 loại chứng nhận quan trọng. Các doanh nghiệp người Do Thái thường yêu cầu người xuất khẩu phải có chứng nhận Kosher, trong khi các doanh nghiệp người Ả-rập có thể yêu cầu người xuất khẩu phải có chứng nhận Halal, đối với một số chủng loại hàng hóa nhất định, chủ yếu đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng.
Theo Tổng cục thủy sản