Hội chứng phân trắng (White feces syndrome – WFS) là bệnh đường ruột đáng lo ngại nhất trên tôm thẻ chân trắng, gây ra nhiều thiệt hại cho người nuôi, thường xuất hiện nhiều hơn vào mùa nắng. Phân trắng là nỗi ám ảnh của người nuôi vì tôm thường mắc phải hội chứng này kéo dài dai dẳng, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Biểu hiện bệnh
Bệnh thường xuất hiện vào mùa nóng, trong giai đoạn tôm 30 – 60 ngày tuổi.
Giai đoạn đầu mắc bệnh, tôm giảm ăn, đường ruột lỏng, gan tụy đổi màu. Kèm theo chất lượng nước dần xấu đi, nước xanh hơn, xuất hiện khí độc.
Giai đoạn biểu hiện rõ: đường ruột tôm chuyển sang màu vàng – trắng. Ở hướng cuối gió có các đoạn phân trắng nổi trên mặt nước. Nếu bệnh nặng phân có thể xuất hiện cả trong vó.
Giai đoạn cuối: tôm dần ốp thân, không hấp thu được dinh dưỡng trong thức ăn.
Nguyên nhân
Sợi phân có màu trắng và nổi trên mặt nước do có chứa dầu (dầu nhẹ hơn nước). Dầu này bắt nguồn từ các biểu mô của tế bào ống gan tụy bị hư hại và bong tróc vào đường ruột (các thành phần này được gọi là Aggregated Transformed Microvilli – ATM).
Hội chứng phân trắng chưa xác định được nguyên nhân cụ thể, nhưng những yếu tố sau đây được xem là có liên quan trực tiếp đến tôm bị phân trắng:
- Gregarine: ký sinh trùng 2 tế bào, chúng bám vào thành đường ruột tôm, lấy dinh dưỡng và làm tổn thương đường ruột.
- EHP: ký sinh ở tế bào ống gan tụy, lấy chất dinh dưỡng và phá hủy tế bào gan, làm suy giảm chức năng tiêu hóa. Nhiều nghiên cứu xác nhận EHP tồn tại nhiều trong mẫu phân của tôm bị phân trắng, và chúng được xem là tác nhân sơ cấp khiến tôm phân trắng.
- Vibrio: vi khuẩn nhóm Vibrio thường là tác nhân thứ cấp, xâm nhập vào hệ tiêu hóa tôm sau khi tôm bị các tác nhân sơ cấp làm suy yếu. Chúng cũng có thể tấn công vào cơ thể tôm khi tôm bị sốc do thay đổi môi trường, cuối cùng dẫn đến phân trắng. Các chủng Vibrio liên quan đến phân trắng bao gồm V. alginolyticus, V. parahaemolitycus, V. vulnificus.
Minh họa cho nguyên nhân dẫn đến phân trắng ở tôm thẻ
- Độc tố từ tảo: kiểm soát tảo không tốt khiến tảo tàn, sụp tảo hoặc tảo độc như tảo lam, tảo giáp cũng có khả năng khiến tôm bị phân trắng.
- Độc tố từ thức ăn: hiện nay nhân tố này được đã kiểm soát rất kỹ trong điều kiện nuôi hiện đại, nên việc tôm bị phân trắng do nguyên nhân này khá hiếm gặp, nguyên nhân chính vẫn tập trung ở các nhân tố trên.
Phòng và trị bệnh
Đối với phân trắng, vẫn áp dụng những quy tắc phòng bệnh tổng thể cho tôm, bao gồm:
- Quản lý tốt lượng thức ăn, đặc biệt trong mùa nóng và giai đoạn tôm nhỏ. Cho tôm ăn 80 – 90% sức ăn để tránh gây quá tải cho gan tụy tôm và môi trường nước.
- Xử lý kỹ nước đầu vào bằng thuốc tím 3 – 5 ppm và chlorine 20 – 30 ppm để ngăn ngừa các mầm bệnh nguy hiểm như EHP, Vibrio,…
- Giữ chất lượng nước luôn ổn định, giảm thiểu lượng chất hữu cơ trong nước cũng như ổn định pH, kiềm bằng cách sử dụng những quy trình công nghệ xử lý nước như lọc tuần hoàn, máy điện hóa – siêu âm hoặc đơn giản và phổ thông nhất là sử dụng các sản phẩm vi sinh chất lượng cao như Ri – BAC để xử lý nước định kỳ.
- Tăng cường sức khỏe tôm trong quá trình nuôi bằng các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung. Gan tụy và đường ruột là những cơ quan cần được chăm sóc đặc biệt để giúp tôm luôn khỏe mạnh và tiêu hóa tốt. Ri – HEPATIC là sản phẩm hỗ trợ chức năng và bảo vệ gan tụy rất tốt trong trường hợp này.
- Theo dõi tình trạng sức khỏe tôm mỗi ngày để có thể nắm bắt tình hình và có phương hướng xử lý tốt nhất khi có sự cố xảy ra.
Còn đối với ao nuôi đã nhiễm phân trắng, cần xác định được nguyên nhân đến từ đâu dựa theo quá trình theo dõi từ đầu vụ nuôi. Đánh giá được mức độ nhiễm bệnh (mới chớm hay đã mãn tính hay bội nhiễm nhiều bệnh khác) và tìm được tác nhân chính mới có thể đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp, hoặc đưa ra quyết định có tiếp tục vụ nuôi hay không.
Trong trường hợp tôm nhiễm phân trắng với tình trạng còn nhẹ và tỉ lệ không cao, có thể điều trị theo các bước sau:
- Ngày 1: Cắt thức ăn 1 ngày. Thay xả nước mạnh 30 – 50%, diệt khuẩn nước bằng Ri – STOP 1kg/1000m3.
- Ngày 2: Cấy lại vi sinh cho ao nuôi bằng Ri – BAC, cho tôm ăn lại khoảng 50% thức ăn. Dùng thuốc điều trị để giúp tôm giảm nhanh các triệu chứng của bệnh. Nên sử dụng các nhóm thuốc tác dụng ở đường ruột như florfenicol + doxycycline, cotrimoxazole, ciprofloxacin,..Dùng thuốc điều trị theo liệu trình 3 – 5 ngày.
Nếu tôm có nhiễm ký sinh trùng, nên xổ đường ruột tôm bằng các sản phẩm chứa gốc thuốc praziquantel, fenbendazol hoặc levamisole 2 ngày trước khi sử dụng thuốc điều trị.
- Ngày 5: Tăng cường dinh dưỡng và tái tạo khả năng hấp thu của tôm, giúp tôm phục hồi đường ruột. Trộn Ri – BIOTIC 5g/kg + Ri – GROWVIT 5g/kg, ăn vào tất cả các cử trong ngày. Đường ruột và khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn dần được hồi phục giúp tôm lấy lại tốc độ lớn và tăng trưởng bình thường trở lại.