• 0379 111 666
  • |
  • rhinoaquavietnam@gmail.com
  • |
  • T2-T7: 7:00 - 17:00
  • 14.11, Tòa nhà Golden King, số 15 Nguyễn Lương Bằng, phường Tân Phú, quận 7, TP. HCM

Ứng dụng prebiotics và probiotic trong nuôi cá tra

Ứng dụng prebiotics và probiotic trong nuôi cá tra

Dịch bệnh là một trong những yếu tố gây ra thiệt hại đáng kể hàng năm trong ngành nuôi cá tra. Để tăng cường miễn dịch, hạn chế dịch bệnh, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của việc bổ sung prebiotic, probiotic trên cá tra.

Prebiotics

Prebiotics là các thành phần thực phẩm không tiêu hóa, có tác dụng kích thích sự phát triển hoặc chuyển hóa của các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, có khả năng cải thiện sự cân bằng đường ruột của sinh vật (Gibson & Roberfroid, 1995).

Các prebiotic thường được sử dụng trong thủy sản bao gồm: mannanoligosaccharides, fructooligosaccharides, lactose, galacto – glucomannans  và inulin.

Ứng dụng bổ sung prebiotic nhằm tăng cường sức khỏe và tăng trưởng cho cá tra cũng đã được nghiên cứu và bước đầu cho kết quả khả quan. Bổ sung fructooligosaccharide (FOS) với các nồng độ 0%, 0,5%, 1%, 1,5% và 2% vào thức ăn cá tra trong 3 tháng. Kết quả cho thấy tăng trưởng của cá gia tăng đáng kể khi bổ sung 0,5% và 1% FOS. Tỷ lệ sống của cá cũng đạt cao nhất (100%) ở mức bổ sung 0,5% và 1%, thấp nhất (82,1%) ở mức bổ sung 1,5% FOS. Hệ số FCR ở nghiệm thức 1% là thấp nhất đạt 1,35. Tương tự, hoạt tính các enzyme tiêu hóa như amylase, pepsine, trypsine, chymotrypsine khi bổ sung 0,5% và 1% FOS đều cao hơn các nghiệm thức còn lại.

Nhìn chung, kết quả thí nghiệm cho thấy, bổ sung FOS vào thức ăn ở mức 0,5% và 1% giúp cá tra cải thiện tăng trưởng và tăng hoạt tính men tiêu hóa (Anh và Hương, 2014). Hân và Hằng (2018) cũng tìm hiểu ảnh hưởng của việc bổ sung inulin và FOS vào thức ăn lên tăng trưởng và đáp ứng miễn dịch của cá tra giống (P. hypophthalmus). Bổ sung inulin (0,5% và 1%); FOS (0,5% và 1%) vào thức ăn cá tra trong 28 ngày cho thấy các chỉ tiêu huyết học và hoạt tính lysozyme ở các nghiệm thức bổ sung inulin và FOS đều cao hơn nghiệm thức đối chứng sau 28 ngày. Cá bổ sung 1% inulin cho kết quả mật độ tổng bạch cầu, bạch cầu đơn nhân, bạch cầu trung tính, lympho, tiểu cầu và hoạt tính lysozyme tăng cao nhất. Tiến hành cảm nhiễm cá tra với vi khuẩn E. ictaluri để đánh giá khả năng kháng khuẩn cũng ghi nhận tỷ lệ chết của cá được bổ sung inulin và FOS thấp hơn cá đối chứng. Tỷ lệ chết của cá được bổ sung 1% inulin là thấp nhất (42,67%) so với các nghiệm thức khác sau khi cảm nhiễm với vi khuẩn E. ictaluri. Tiếp theo, Hằng và Phương (2020) cũng đã chứng minh inulin là một prebiotic tiềm năng trong việc tăng cường sức khỏe và kiểm soát dịch bệnh cho cá tra khi bổ sung vào thức ăn cho cá với liều lượng 1% và nhịp bổ sung 2 tuần/tháng.

Probiotic

Probiotic được bổ sung vào môi trường ao nuôi thủy sản hay bổ sung vào thức ăn đều có khả năng ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh, cải thiện enzyme tiêu hóa làm tăng khả năng sử dụng thức ăn, thúc đẩy tăng trưởng và kích thích đáp ứng miễn dịch của vật nuôi (Pandiyan et al., 2013). Các probiotic bao gồm giống Bacillus và nhóm vi khuẩn axit lactic (LactoBacillus, Lactococcus, Carnobacterium, Pediococcus, Enterococcus và Streptococcus) được công nhận có tác động tăng cường miễn dịch trên cá, tăng khả năng kháng bệnh và một số chỉ tiêu sinh lý khác. Giống vi khuẩn Bacillus có khả năng tạo bào tử, tồn tại trong môi trường bất lợi nên có thể kéo dài đời sống nên thường được sử dụng làm probiotic. Các loài vi khuẩn B. subtillis, B. licheniformis, B. circulans, B. coagulans, B. clausii, và B. megaterium thường được sử dụng trong thủy sản như probiotic (Nayak, 2021). Tương tự, bổ sung probiotic cũng đã được nghiên cứu và ứng dụng trong nuôi cá tra. Sơn và ctv. (2013) đã bổ sung B. circulans, B. subtilis, Pediococcus acidilactici dạng đơn và tổ hợp vào thức ăn cá tra trong 4 tuần cho thấy các chỉ tiêu miễn dịch của cá gia tăng từ 1,6 – 2,3 lần so với cá đối chứng. Tuy nhiên, chỉ số thực bào lại khác biệt không có ý nghĩa thống kê.

Ngoài ra, nhóm tác giả này cũng tiến hành đánh giá khả năng kháng vi khuẩn gây bệnh E. ictaluri của các chủng vi khuẩn có lợi trên, kết quả cũng ghi nhận các chủng vi khuẩn có lợi này đều có khả năng ức chế vi khuẩn E. ictaluri với đường kính vòng kháng khuẩn dao động từ 17,7 – 22,6 mm. Trong đó, vi khuẩn B. circulans cho thấy có khả năng kháng E. ictaluri cao nhất. Hạnh và ctv. (2019) cũng nghiên cứu và ghi nhận hiệu quả sử dụng chủng B. amyloliquefaciens ở quy mô sản xuất cá tra giống khi xử lý trực tiếp vào môi trường nuôi. Kết quả cho thấy chất lượng cá tra và nước ao được cải thiện. Sau 40 ngày nuôi, tỷ lệ sống của cá ở nghiệm thức có bổ sung probiotic là 28,8% so với ao đối chứng là 7,2%. Trọng lượng và kích thước của cá có bổ sung probiotic tăng 12,40% và 5,55% so với đối chứng. Môi trường nước ao phù hợp cho động vật phù du sinh trưởng và phát triển, đảm bảo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá tra sử dụng. Hang et al. (2022) đã bổ sung vi khuẩn Lactobacillus plantarum vào thức ăn cá tra với mật độ 106 , 107 , và 108 CFU/g thức ăn trong 8 tuần. Kết quả cho thấy cá tra được bổ sung L. plantarum có tăng trưởng nhanh hơn cá đối chứng. Tuy nhiên, tỷ lệ sống của cá ở các nghiệm thức không có sự khác biệt. Các chỉ tiêu huyết học và hoạt tính lysozyme, hoạt tính bổ thể đều gia tăng ở nhóm cá được bổ sung probiotic. Trong đó, cá được bổ sung 107 CFU L. plantarum/g thức ăn có đáp ứng miễn dịch cao nhất. Tiến hành cảm nhiễm cá với E. ictaluri để đánh giá khả năng mẫn cảm với mầm bệnh của cá tra thí nghiệm cho thấy nhóm cá không bổ sung L. plantarum có tỷ lệ chết tích lũy cao hơn so với cá được bổ sung L. plantarum. Như vậy, bổ sung L. plantarum vào thức ăn cá tra trong 8 tuần đã cải thiện tăng trưởng, tăng cường sức khỏe, sức đề kháng của cá tra.

BÙI THỊ BÍCH HẰNG VÀ CỘNG SỰ

(Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ)