• 0379 111 666
  • |
  • rhinoaquavietnam@gmail.com
  • |
  • T2-T7: 7:00 - 17:00
  • 14.11, Tòa nhà Golden King, số 15 Nguyễn Lương Bằng, phường Tân Phú, quận 7, TP. HCM

Xử lý nước giếng ngầm trong nuôi tôm

Xử lý nước giếng ngầm trong nuôi tôm

Nước ngầm được xem là nguồn nước thay thế cho những khu vực bị ô nhiễm hữu cơ cao, chất lượng nước bên ngoài không thuận lợi, độ mặn thấp hoặc không có độ mặn. Nhưng chính yếu của nước ngầm là lấy nước có độ mặn.

Chất lượng nước ngầm thực sự phù hợp hay chỉ phù hợp 1 phần sẽ tùy theo điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng.

Ao nuôi sử dụng nước giếng ngầm.

Có thể phân loại ra 1 số kiểu cấu trúc nước giếng ngầm như sau:

  • Cấu trúc giếng ngầm qua tầng lọc là sỏi, cát và đá trơ cứng sẽ cho nước có khoáng chất và kiềm cứng yếu. Nước này thường ít có phèn chủ yếu chỉ giải quyết vấn đề độ mặn với kiểu giếng này chỉ thích hợp 1 phần cho quá trình nuôi (phải pha thêm nước bên ngoài mới có thể nuôi được).
  • Cấu trúc giếng chảy qua khu vực có đá vôi thường có kiềm và cứng cao hoặc rất cao. Nguồn nước này đa số có thể xử lí và nuôi được, một đặc điểm dễ nhận thấy của giếng này là độ mặn của giếng thay đổi theo mùa mưa và mùa khô nhưng lại có nhiều phèn do vậy cần được xử lí phù hợp trước khi nuôi tôm. Loại giếng này thường xuất hiện ở khu vực miền Tây.
  • Cấu trúc nước ngầm là vùng nước có sẵn trong lòng đất (gần như không có dòng chảy trong đất) thì giếng có kiềm cao nhưng cứng rất thấp, độ mặn luôn ổn định. Loại giếng này thường do khoan sâu, khuyến cáo áp dụng nước 50%, vì việc xử lý để đạt độ cứng mất rất rất nhiều chi phí.
  • Giếng ngầm ở các tỉnh Miền trung chủ yếu có cấu trúc của nước biển hoặc sông nhiễm mặn. Những giếng này thường chỉ có độ sâu chỉ vài mét hay nói đúng hơn là giếng lọc. Chất lượng nước của các giếng này thường tốt vì được lọc qua các lớp cát, có thể được xử lí nhẹ hoặc bơm trực tiếp vào ao nuôi. Cần lưu ý, vào mùa khô các giếng đóng sâu trong khu vực đất liền rất dễ bị ô nhiễm hữu cơ và phèn do mức nước thấp nên cần chuyển hướng của giếng ra sát khu vực biển hay sông nhiễm mặn.
  • Cá biệt những khu vực thuần nước ngọt, khoan giếng không có mặn nhưng bù lại độ kiềm và cứng tốt thì vẫn xử lý để nuôi tôm nước ngọt. Đặc hữu cho các giếng loại này thường ở khu vực Hải Dương, Hải Phòng.

Nhược điểm của nước ngầm:

  • Phèn nhôm (rất khó để sử dụng nguồn nước này)
  • Phèn sắt lên đỏ ao, kim loại nặng (Mn, Zn, Cad, vv..), kiềm cao, pH thấp, Oxy hòa tan thấp, nhiều CO2.
  • Tỷ lệ các ion trong nước không tuân theo tiêu chuẩn ion của nước biển, trên thực tế thường thấy hàm lượng Magie và Kali thường thấp.

Ưu điểm của nước ngầm:

  • Không mang mầm bệnh, ít khuẩn
  • Đôi khi hàm lượng khoáng, kiềm, cứng rất tốt (nguồn nước tốt cho ao nuôi)

Test nước giếng trên thực tế có thể nuôi được: bơm ra ngoài ao chứa, bắt đầu đo pH, kiềm (thường pH thấp, kiềm cao, phèn sắt phản ứng thành màu đỏ cam). Để lắng tự nhiên trên 5 ngày, nếu đo lại pH lên, kiềm thấp lại, nước sẽ trong và có lắng lớp đen dưới đáy các nuồn nước như vậy hầu hết là xử lí để nuôi tôm được.

Giải pháp xử lý nước giếng ngầm chủ yếu tập trung vào oxy hóa phèn và kim loại nặng, đánh tan CO2 để ổn định lại chất lượng nước.

Hệ thống lắng tràn nhiều ao giúp nước được lắng phèn và chất hữu cơ tốt hơn

Một giải pháp xử lý chung như sau:

  • Nước được xả vào ao lắng thô (nếu được chảy qua nhiều hệ thống lắng thì càng tốt), Khi nước gần đầy ao chứa thì dùng thuốc tím (KMnO4), 3 – 5kg cho 1000m3. Sau 24 giờ cấp qua ao xử lý/sẵn sàng. Lưu ý, không cần thiết xử lý PAC vì trong nước ngầm thường không chứa chất hữu cơ lơ lững. Trong ao này không chạy quạt (sẽ làm dậy các phèn lắng dưới đáy do tích tụ nhiều theo thời gian).
  • Nước cấp qua ao xử lý/sẵn sàng: xử lý diệt khuẩn liều cao chủ yếu là BKC hoặc Glutaraldehyde, Chlorine. Tiếp tục dùng vôi CaO (50 -100kg/1000m3 nước, để ổn định chất lượng nước). Những ao có độ cứng quá cao, dùng 4 – 5kg EDTA/1000m3 nước giúp nước được mềm hóa và có lợi cho tôm nhỏ.
  • Trong khi thực hiện các bước xử lý cần chạy quạt nhiều (cần 2 dàn quạt chạy >100 vòng/phút thay vì 1 quạt như thông thường) trong giai đoạn này chủ yếu làm gia tăng quá trình oxy hóa trong nước, giải phóng các khí và làm tơi nước.
  • Đo lại các chỉ tiêu môi trường và tiến hành chuẩn hóa nước lần cuối cùng bằng các loại vôi, bicard, vv.. giúp đảm bảo chất lượng nước tốt nhất trước khi cấp vào ao nuôi.

LƯU Ý:

Tùy vào điều kiện chất lượng nước của giếng ngầm tại khu vực để linh hoạt xử lí theo mùa, theo giếng, theo thổ nhưỡng.

Chất lượng nước giếng có thể sẽ thay đổi rất nhiều và không giống nhau, nên khách hàng có thể liên lạc trực tiếp với chúng tôi để cùng trao đổi vấn đề của bạn.

Trần Công Việt – PKT CTy RHINO, SĐT: 0918.219.954