Huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu được xem là “thiên đường” nuôi cá nước lạnh. Ảnh: Tùng Đinh
Với nhiều tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thiên nhiên, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, được biết đến là vùng đất ’thiên đường’ để nuôi cá nước lạnh
“Thiên đường” nuôi cá nước lạnh
“Các chú tìm đến đúng địa chỉ rồi đấy. Đây đúng là bản Chu Va 12, xã Sơn Bình rồi. Đúng là nơi đây chúng tôi có nhiều hộ nuôi cá nước lạnh nổi tiếng ở huyện Tam Đường này đấy”, bà Nguyễn Thị Ngân (bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) hồ hởi trả lời khi được hỏi về nơi được xem là có tiềm năng nhất nhì về nuôi cá nước lạnh của huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Dẫn những vị khách tới thăm có phần đường đột đi tham quan những bể cá tầm, cá hồi của mình, bà Ngân vừa kể vừa vung nắm thức ăn rải xuống bể cho những con cá háu ăn đang đớp dưới nước: “Diện tích nuôi của nhà tôi chỉ gần 1ha, nuôi hơn 80.000 con vừa cá tấm vừa cá hồi. Trong đó có cả cá thịt đến thời kỳ xuất bán lẫn cá giống nữa. So với nhiều hộ nuôi cá nước lạnh khác trong vùng thì nhà tôi vẫn còn kém xa”.
Ông Lê Văn Phong cho biết nơi đây có khí hậu phân 2 mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô, độ ẩm trung bình năm trên 80%. Ảnh: Tùng Đinh
Đúng như lời bà Ngân, triển khai nuôi cá tầm từ những năm 2008 tại bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu), HTX sản xuất nông nghiệp và dịch vụ Ngũ Chỉ Sơn là một trong những đơn vị thực hiện khá sớm và hiệu quả quy trình sản xuất cá khép kín trên địa bàn.
Theo ông Lê Văn Phong, thành viên HTX sản xuất nông nghiệp và dịch vụ Ngũ Chỉ Sơn, huyện Tam Đường được biết đến là vùng đất tiềm năng để nuôi cá nước lạnh do nơi đây có khí hậu phân làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô, độ ẩm trung bình năm trên 80%.
“Đặc biệt, địa hình được tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, xen kẽ thung lũng, suối, thác, lưu lượng chảy lớn, nước sạch và nhiệt độ khá lạnh, có những nơi dưới 20 độ C nên rất thuận lợi cho việc nuôi các giống cá tầm, cá hồi”, ông Lê Văn Phong chia sẻ.
Huyện Tam Đường đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, xác định vùng nuôi tập trung để đưa vào quy hoạch nông thôn mới của xã Sơn Bình. Ảnh: Tùng Đinh
Cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh Lai Châu và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Phong cho hay, những năm qua, bà con huyện Tam Đường đã có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như bể nuôi, bể ương với quy mô từ hàng nghìn mét vuông để nuôi cá nước lạnh, nhờ đó mang lại nguồn thu nhập ổn định.
“Thời gian qua, huyện Tam Đường đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, xác định vùng nuôi tập trung để đưa vào quy hoạch nông thôn mới của xã Sơn Bình. Đồng thời, huyện cũng tăng cường quảng bá và nâng cao thương hiệu 2 sản phảm OCOP đạt 3 sao là cá tầm cắt khúc và cá hồi phi lê của HTX sản xuất nông nghiệp và dịch vụ Ngũ Chỉ Sơn”, ông Phong thông tin.
Phát triển theo định hướng hàng hóa tập trung
Theo ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở NN-PTNT Lai Châu, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine làm cho việc tiêu thụ thủy sản và sản phẩm thủy sản cũng bị ảnh hưởng mạnh. Đặc biệt là tiêu thụ các loại cá có giá trị kinh tế cao của tỉnh như cá tầm, cá hồi, cá lăng… tạo ra lượng thủy sản tồn đọng tương đối lớn trên địa bàn tỉnh.
Người dân huyện Tam Đường đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như bể nuôi, bể ương với quy mô từ hàng nghìn mét vuông để nuôi cá nước lạnh. Ảnh: Tùng Đinh
Bên cạnh đó, nhiều vùng trên địa bàn tỉnh Lai Châu, cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại nhiều nơi khó khăn, không thuận tiện nên chi phí vận chuyển con giống, thức ăn và tiêu thụ đều cao.
Điều kiện thời tiết trên địa bàn tỉnh có nhiệt độ thấp, lạnh hơn so với các tỉnh thành khác trong cả nước nên động vật thủy sản thường sinh trưởng và phát triển chậm hơn, thời gian nuôi kéo dài tốn nhiều thức ăn dẫn đến giá thành sản phẩm cao hơn so với các địa phương khác, rất khó để cạnh tranh về giá bán.
Ngoài ra, dịch bệnh thủy sản vẫn xảy ra rải rác trên các loài cá chiên, cá lăng, cá trắm cỏ, cá rô phi đơn tính… với tần suất ngày càng tăng, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi. Đặc biệt, những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ cá chết do các nguyên dịch bệnh, ngộ độc, các yếu tố môi trường trong nuôi trồng thủy sản không đảm bảo.
Nhiều vùng trên địa bàn tỉnh Lai Châu, cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại nhiều nơi khó khăn, không thuận tiện nên chi phí vận chuyển con giống, thức ăn và tiêu thụ đều cao. Ảnh: Tùng Đinh
Theo ông Đặng Văn Châu, trên địa bàn tỉnh Lai Châu chưa có nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, phát triển nuôi trồng thủy sản chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ là những lực cản trong việc thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nuôi trồng thủy sản và xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở, hộ cá nhân đầu tư vào phát triển nuôi trồng và tiêu thụ thủy sản. Địa phương cũng đã đẩy mạnh thông tin, kết nối tiêu thụ thủy sản và sản phẩm thủy sản, đặc biệt chú trọng đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản có sản lượng cao và các đầu mối cung ứng sản phẩm thủy sản. Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết và ủng hộ hoạt động tiêu thụ sản phẩm thủy sản.
Tỉnh Lai Châu đã có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở, hộ cá nhân đầu tư vào phát triển nuôi trồng và tiêu thụ thủy sản. Ảnh: Tùng Đinh
Theo đó, thời gian tới, Sở NN-PTNT Lai Châu sẽ cùng các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, khắc phục tồn tại về thủ tục hành chính, tăng cường hướng dẫn hoạt động sản xuất đảm bảo đúng quy định pháp luật cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh phát triển hàng hóa tập trung theo phương châm lấy doanh nghiệp, HTX là trung tâm, cộng đồng dân cư và các hộ nông dân là chủ thể. Ưu tiên thu hút doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp liên kết với HTX, với nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Song song, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư để xây dựng cơ sở chế biến thủy sản, sản xuất giống thủy sản để hạ giá thành sản phẩm đầu vào cũng như tăng giá trị sản phẩm thủy sản đầu ra, đồng thời tạo ra sản phẩm có thể bảo quản và tiêu thụ trong thời gian lâu dài, tránh tồn đọng đối với thủy sản đến thời kỳ thu hoạch.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ nâng cao năng lực quan trắc môi trường, giám sát, cảnh báo thiên tai dịch bệnh, đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh trên thủy sản để giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Phạm Hiếu – Bảo Thắng
Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam